Hiện có gần 40 trường đại học từ Bắc vào Nam, cả công lập lẫn tư thục có chỉ tiêu xét tuyển các thí sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mỗi trường có số lượng và yêu cầu khác nhau về điểm số. Bên cạnh mang đến cơ hội rộng mở để nhiều thí sinh bước chân vào giảng đường đại học, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn tạo nên lợi thế cho “cuộc đua” giành học bổng của các sinh viên.
Các trường đại học "chạy" theo xu thế
Năm 2017 là kỳ tuyển sinh đầu tiên mà các trường đại học đưa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành một tiêu chí xét tuyển đầu vào chính quy. Đến nay, phương thức này đã thành xu hướng được nhiều trường áp dụng, không ít thí sinh xem đây là một cơ hội lớn để "rộng cửa" bước chân vào ngôi trường yêu thích. Với việc được tự chủ trong quyết định hình thức xét tuyển, các trường đại học có đa dạng sự lựa chọn như kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT (gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ), điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực hoặc ưu tiên điểm xét tuyển...Điển hình, ĐH Ngoại Thương công bố đề án xét tốt nghiệp năm 2022 với 6 phương thức có 2 trong số đó là xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Theo đó, trường xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên, hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level.
Bên cạnh, ĐH Ngoại Thương cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hai phương thức này áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Hay với ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2022 nhà trường dành 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6, đạt IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng L&R 785, S 160 & W 150) trở lên. Kỳ tuyển sinh năm nay, hàng loạt trường công bố phương thức tuyển sinh kết hợp xét các chứng chỉ ngoại ngữ như ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM... Song đến nay, chưa có bất cứ trường đại học nào tuyển thẳng thí sinh chỉ dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Sự phổ biến và ưu thế của chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Hầu hết hình thức xét tuyển kết hợp IELTS chỉ chiếm khoảng 5-20% tổng chỉ tiêu xét tuyển mỗi năm. Điều này cho thấy IELTS cùng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đã trở nên phổ biến, quan trọng hơn tại Việt Nam. Nhiều trường đại học chọn phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, Linguaskill, TOEIC, ACT... vì muốn chủ động hội nhập quốc tế. Việc các thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ giúp nhà trường dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh ở chuyên ngành ngoại ngữ hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chất lượng cao và chương trình hợp tác quốc tế.